Thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trong phiên họp ngày 21/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản đồng ý với báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH cũng đề nghị hoàn thiện, làm rõ thêm một số nội dung về trách nhiệm của các cơ quan, khoanh nợ, xoá nợ thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế…
Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý thuế
Tại báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Ủy ban Tài chính, ngân sách (UBTCNS) và cơ quan soạn thảo đã thống nhất hướng tiếp thu, giải trình của một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong đó, có những nội dung mới, được quan tâm như về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong quản lý thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Thanh tra nhà nước (TTNN)…
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Đây là những vấn đề trước đây còn ý kiến khác nhau, nay đã được thống nhất tiếp thu, giải trình và thể hiện tại dự thảo. Cụ thể, về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN (Điều 21) và của cơ quan TTNN (Điều 22), UBTCNS và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng, cơ quan KTNN, TTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kiến nghị, kết luận do KTNN, cơ quan thanh tra ban hành. Đồng thời, để khắc phục tồn tại trong thực tiễn phát sinh khi cơ quan KTNN và cơ quan TTNN tiến hành thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế có liên quan đến nghĩa vụ người nộp thuế, UBTCNS và cơ quan soạn thảo thống nhất sửa đổi theo hướng, cơ quan KTNN và TTNN phải có trách nhiệm gửi văn bản có kiến nghị cho người nộp thuế về các nội dung có liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện theo kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN và cơ quan thanh tra.
Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN và cơ quan thanh tra thì thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kiến nghị, kết luận của KTNN và cơ quan TTNN theo quy định của Luật KTNN, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại và Luật tố tụng hành chính.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế như: trách nhiệm của Bộ Công thương liên quan đến hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trong phối hợp với cơ quan quản lý thuế, nhượng quyền thương mại và các hoạt động liên quan; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan…; trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc thẩm định dự án đầu tư để xác định giá trị đầu tư của dự án, làm căn cứ để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật, thay cho nhiệm vụ “Phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc chống chuyển giá đối với các dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế” đã được quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Phân cấp về thẩm quyền xoá nợ thuế
Về khoanh nợ và xóa nợ thuế, điểm mới của dự thảo là mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng cục Hải quan. Đồng thời, UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm. Đối với các khoản nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã cơ bản thống nhất các nội dung để hoàn thiện báo cáo trình UBTVQH. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ hơn quy định về trách nhiệm của các cơ quan tại Điều 21, 22, quy định về Hội đồng tư vấn thuế tại Điều 28…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quy định về trách nhiệm của các cơ quan như cơ quan thuế, KTNN, TTNN cần được thể hiện rõ. “Khi cơ quan thuế ra quyết định đó thì phải dựa trên kết luận của Kiểm toán và Thanh tra. Kết luận đó phải được chấp hành. Nếu có khiếu kiện đưa ra thì Thanh tra, Kiểm toán phải chịu trách nhiệm. Phải đảm bảo quy trình, thủ tục, đừng để đối tượng chịu thuế phải chạy hết kiểm toán, thanh tra, thuế. Đầu mối nhà nước chỉ nên một đầu mối, nên phân rõ trách nhiệm”.
Đánh giá dự thảo Luật có nhiều điểm tiến bộ, đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, thành viên UBTVQH, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đóng góp một số ý kiến cho dự thảo Luật. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, có ý kiến cử tri băn khoăn về việc quản lý thuế thu nhập của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật như ca sĩ, diễn viên, người mẫu…
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho ý kiến về một số nội dung tại Dự thảo Luật. Ảnh quochoi.vn
“Hiện nay các ca sĩ thường thành lập doanh nghiệp, công ty để trốn thuế thu nhập cá nhân bằng việc thu nhập của doanh nghiệp, bù các chi phí nên cuối cùng đóng thuế rất thấp. Tuy nhiên, phần liên quan đến công tác quản lý không thấy nêu vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tôi đề nghị chúng ta phải quy định trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý này”, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị. Ngoài ra, Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị chú trọng hơn vào công tác thanh tra, kiểm tra, luân chuyển cán bộ… để tránh xảy ra tiêu cực trong quản lý thuế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế
Tiếp cận từ khía cạnh công nghệ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị cần có quy định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, giảm sử dụng tiền mặt.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, việc sửa Luật Quản lý thuế rất quan trọng, cần thiết và những năm qua công tác quản lý thuế có bước tiến rất dài. Hệ thống quản lý thuế được cải cách, điện tử hoá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị đẩy mạnh hơn hình thức giao dịch điện tử để tăng tính công khai, minh bạch, giảm thủ tục và bớt tiêu cực.
Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng thời cũng làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến Điều 21, 22 dự thảo Luật. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ năm 2013 đến 2018 đã phát sinh 14 vụ kiện của doanh nghiệp theo kết luận của KTNN, tổng số tiền thu 54,480 tỷ đồng. Trong đó, đã xử 10 vụ và cơ quan thuế thua 10 vụ, 3 vụ đang tiếp tục thụ lý và 1 vụ tạm dừng vì có tình tiết mới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, bên cạnh trường hợp kiểm toán trực tiếp đối tượng nộp thuế, với trường hợp kiểm toán cơ quan thuế, thì cơ quan kiểm toán cũng phải có trách nhiệm trích lục để cơ quan quản lý thuế căn cứ vào đó ra quyết định hành chính thu thuế. Hiện nay, thực tế nhiều trường hợp khi ra toà, cơ quan thuế đã thua kiện khi không giải trình được.
“Tinh thần đúng như Chủ tịch Quốc hội nói ai kết luận thì phải có trách nhiệm. Kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế là đối tượng, phải có trách nhiệm cùng với KTNN. Nhưng người cuối cùng phải là cơ quan kiểm toán, nơi ra kết luận”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sau khi nghe báo cáo hướng tiếp thu, giải trình, UBTVQH cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình như của UBTCNS. Đồng thời, UBTVQH cũng đề nghị tiếp tục rà soát, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp hôm nay như về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; về quản lý thuế điện tử và áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát thuế…; về hội đồng tư vấn thuế; rà soát đảm bảo đúng trách nhiệm từng cơ quan tại điều 21, 22…
Trên tinh thần đó cơ quan thẩm tra sẽ hoàn chỉnh và Chính phủ có ý kiến chính thức, từ đó sửa lại dự án luật này và hướng tiếp thu giải trình để gửi cho các đoàn đại biểu Quốc hội. Nếu không còn ý kiến khác nhau nhiều, Thường vụ cho phép trình Quốc hội không phải báo cáo lại, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết.