Chính phủ điện tử ngành Tài chính đi theo lộ trình nào?

Với việc chú trọng ứng dụng các công nghệ tiên tiến của cách mạng 4.0, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính đã đặt ra định hướng và lộ trình cụ thể trên cơ sở phân tích chiến lược phát triển ngành Tài chính, hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Kiến trúc Chính phủ điện tử của ngành Tài chính được chia thành 3 giai đoạn

Hiện thực hóa nền tài chính điện tử

Theo định hướng xây dựng Chính phủ điện tử ngành Tài chính đến năm 2020, đây sẽ là giai đoạn tiếp tục hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành Tài chính hướng tới Chính phủ phục vụ, lấy người dùng làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ điện tử và các công cụ số hóa. Trong đó, CNTT đóng vai trò là công cụ hỗ trợ quan trọng xây dựng tài chính điện tử.

Đây cũng là giai đoạn bước đầu hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ, môi trường cộng tác số và truyền thông hợp nhất, các hệ thống thông tin quản lý nguồn lực tổng thể nội ngành, hệ thống báo cáo điện tử tích hợp toàn ngành, cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung, cung cấp thông tin báo cáo ra bên ngoài.

Ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin dịch vụ công một cửa liên thông cấp 3,4 nhằm mục tiêu 100% các thủ tục hành chính cần thiết được xây dựng thành các dịch vụ công trực tuyến cấp 3/cấp 4 và được cung cấp trên một hệ thống cổng thông tin điện tử tích hợp ngành Tài chính và các ứng dụng trên thiết bị thông minh. Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính cần phải đảm bảo sẵn sàng để chia sẻ thông tin về tình hình giải quyết thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ đã được xác thực và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa với Cổng dịch vụ công Quốc gia…

Về chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu: Xây dựng nền tảng tích hợp hướng dịch vụ (SOA Platform); hoàn thiện Cổng dịch vụ công tích hợp ngành Tài chính dựa trên công nghệ đám mây nội bộ và giao diện lập trình ứng dụng (APIs); hoàn thiện Hệ thống quản lý định danh tập trung (SSO); tiếp tục hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, thí điểm công nghệ dữ liệu lớn (Big Data).

Trong giai đoạn này, ngành Tài chính sẽ xây dựng “đám mây” nội bộ ngành Tài chính (MOF-Cloud) ở mức Hạ tầng như một dịch vụ (IaaS); hoàn thiện hệ thống quản lý định danh và truy cập ngành Tài chính phù hợp với nền tảng đám mây; thí điểm tích hợp ứng dụng nội bộ ngành với hệ thống quản lý định danh và truy cập; xây dựng hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC).

Thiết lập hệ sinh thái tài chính số

Trong giai đoạn năm 2021 – 2025, ngành Tài chính đưa ra mục tiêu tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ, xây dựng nền tảng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở. Đây cũng là giai đoạn thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ Tài chính thông minh.

Khi đó CNTT trở thành phần của một phần chiến lược của ngành Tài chính giúp thiết lập hệ thống dữ liệu tài chính mở tạo nền tảng cho hệ sinh thái tài chính số.

Trong giai đoạn này, các hệ thống thông tin đã hoàn thành xây dựng ở giai đoạn trước sẽ được duy trì, vận hành và cập nhật. Các ứng dụng dùng chung được thiết lập: hệ thống quản lý theo dõi quy trình công việc, quản lý Mua sắm – Đấu thầu – Dự án đầu tư; tích hợp các hệ thống nội bộ về quản lý nguồn lực tổ chức; ứng dụng khoa học dữ liệu hỗ trợ điều hành để xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp ngành Tài chính…

Đối với các ứng dụng chuyên ngành: xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro lãi suất, tỷ giá, thị trường; lập ngân sách trung hạn; thanh tra, giám sát, xử lý nợ thuế; thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm hải quan. Ngành Tài chính sẽ khai thác, sử dụng các dịch vụ tài chính công mới được xây dựng bởi bên thứ 3 (các công ty fintech) trên dữ liệu tài chính mở của ngành Tài chính. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính sẽ được thí điểm.

Cũng trong giai đoạn này, 100% các lĩnh vực tài chính có cơ sở dữ liệu mở trong phạm vi ngành Tài chính phù hợp với quy định tại Luật tiếp cận thông tin và được công khai trên môi trường mạng. Xây dựng hệ thống “đám mây” có khả năng mở tích hợp với các ứng dụng bên ngoài đồng thời đảm bảo an toàn thông tin nội bộ. Kho ứng dụng dịch vụ tài chính thông minh hình thành; hoàn thiện nền tảng dữ liệu lớn phục vụ thu thập, phân tích, dự báo.

Ngành Tài chính sẽ hoàn thành việc tích hợp 100% ứng dụng với hệ thống quản lý định danh và truy cập ngành Tài chính và tích hợp với các hệ thống công nghệ thông tin quốc gia hướng tới một hệ thống quản lý tài chính xuyên suốt trong ngành Tài chính và Chính phủ.

“Đám mây” ngành Tài chính (MOF-Cloud) được hoàn thành xây dựng ở mức nền tảng như một dịch vụ (PaaS), cung cấp các giao diện lập trình ứng dụng cho các bên thứ ba để tạo các dịch vụ tài chính thông minh. Ngành Tài chính hoàn thành kết nối giữa các hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) toàn ngành.

Số hóa hoàn toàn, thiết lập nền tài chính thông minh

Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính đặt ra lộ trình đối với giai đoạn 2026 – 2020 là sẽ thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Ngành Tài chính đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ Tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số.

Kho ứng dụng Tài chính số được thiết lập phục vụ hoạt động nội ngành, phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định của ngành Tài chính trở thành công cụ quan trọng trong điều hành Chính phủ. Các ứng dụng thông minh hỗ trợ nghiệp vụ như trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính. 100% các thiết bị hỗ trợ nghiệp vụ, điều hành như: camera giám sát, thiết bị cảm ứng, thiết bị di động, robot, dữ liệu mạng xã hội… được kết nối, dữ liệu được thu thập, phân tích và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người quản lý, sử dụng. Bên cạnh đó, 100% các dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp được “cung cấp chủ động” do nhiều bên theo mô hình cá nhân hóa; cung cấp các dịch vụ tài chính công mới theo nhu cầu/yêu cầu riêng của người dân, doanh nghiệp. Các dịch vụ tài chính công được đơn vị thứ ba khai thác, xây dựng thành các dịch vụ mới cung cấp cho khách hàng trên nhiều kênh/phương tiện giao tiếp.

Cũng trong giai đoạn này, nền tảng dữ liệu mở được hoàn thiện và tích hợp trong mọi ứng dụng; nền tảng điện toán đám mây lai hoạt động thông suốt. Nền tảng dữ liệu lớn phục vụ thu thập, phân tích, dự báo (Big Data, IoT) được ứng dụng để thu thập dữ liệu thời gian thực phục vụ cho các ứng dụng quản lý. Nền tảng xác thực phân tán (Blockchain) sẽ tích hợp trong hầu hết các giao dịch điện tử trong ngành Tài chính. Đám mây Tài chính sẽ tích hợp với đám mây của Chính phủ, đồng thời sẽ tích hợp giám sát an toàn thông tin với hệ thống của Chính phủ.

Hotline: 0975.11.50.50
Tư vấn dịch vụ
Gọi điện ngay
TƯ VẤN DỊCH VỤ