Nhiều biện pháp để thị trường thẩm định giá phát triển lành mạnh

Thị trường dịch vụ thẩm định giá ở Việt Nam đang phát triển nhanh và đã trở thành nhu cầu thiết yếu đối với xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vẫn còn có những thiếu sót về mặt kỹ thuật thẩm định giá của các doanh nghiệp.


Bộ Tài chính đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các đối tác nước ngoài để hoàn thiện tiêu chuẩn định mức về thẩm định giá. Ảnh: Cục Quản lý giá

Mới đây, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị các doanh nghiệp thẩm định giá lưu ý thực hiện theo đúng tiêu chuẩn thẩm định giá, để thị trường thẩm định giá phát triển lành mạnh.

Kết quả thẩm định giá phải chính xác, khách quan

Vừa qua, Cục Quản lý giá nhận được thông tin phản ánh liên quan tới một số vướng mắc trong quy trình thẩm định giá (khảo sát, thu thập và kiểm chứng thông tin). Cục Quản lý giá đã có hướng dẫn làm rõ hơn về các nội dung nêu trên. Cơ quan quản lý giá yêu cầu các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá hoạt động trong lĩnh vực này phải tuân thủ quy định pháp luật về thẩm định giá. Các doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.

Cục Quản lý giá đề nghị các doanh nghiệp thẩm định giá phải lưu ý, tiêu chuẩn thẩm định giá gồm các bước: xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá; lập kế hoạch thẩm định giá; khảo sát thực tế, thu thập thông tin; phân tích thông tin; xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá; lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.

Trên thực tế, khi nền kinh tế phát triển ổn định, nhận thức và nhu cầu về dịch vụ thẩm định giá ngày càng tăng cao. Trong lĩnh vực này, đến nay đã có đủ hành lang pháp lý để cho các doanh nghiệp hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường và duy trì được khách hàng truyền thống, ổn định.

Tuy nhiên, khi mức độ cạnh tranh trong hoạt động này ngày càng tăng cao, nhất là thẩm định giá tài sản, thì sẽ phát sinh cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ và thời gian phát hành chứng thư, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ thẩm định giá. Ngoài ra, thông tin thị trường còn nhiều hạn chế, thiếu minh bạch và khó tiếp cận. Hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp còn hạn chế…

Xử phạt nghiêm các vi phạm

Trước đó, qua kiểm tra của Cục Quản lý giá cho thấy vẫn còn doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thẩm định giá. Những sai phạm chủ yếu như: không thông báo cho Bộ Tài chính khi thay đổi danh sách thẩm định viên; chậm gửi báo cáo tình hình doanh nghiệp định kỳ hàng năm; không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá; lưu trữ hồ sơ thẩm định giá không đúng theo quy định của pháp luật… Các đoàn kiểm tra đều lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt theo quy định.

Bên cạnh đó, một số thẩm định viên còn thiếu kinh nghiệm thẩm định giá và hiểu biết chưa sâu về tài sản thẩm định giá và thị trường của tài sản thẩm định giá, nên chưa có những đánh giá, biện luận cần thiết để có kết luận phù hợp về giá trị của tài sản thẩm định giá.

Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp thẩm định giá thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam trong quá trình thực hiện thẩm định giá. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, trước hết là Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm quy trình thẩm định giá nhất là việc khảo sát, thu nhập và phân tích thông tin; lập đầy đủ các biên bản khảo sát thực tế thẩm định giá vào phiếu thu thập thông tin. Các thông tin thu thập phải ghi rõ nguồn, bảo đảm tính khách quan, trung thực. Thông tin phải được kiểm chứng, xác minh nhằm bảo đảm độ tin cậy và chất lượng trước khi đưa vào áp dụng các phương pháp thẩm định giá để ước tính giá trị tài sản cần thẩm định.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, hiện vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá chưa tuân thủ quy định của pháp luật dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính; bị đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Các doanh nghiệp và thẩm định viên về giá cần hành nghề, đảm bảo tuân thủ pháp luật, trường hợp còn xảy ra sai sót sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra tình hình hoạt động thẩm định giá đối với các doanh nghiệp thông qua kiểm tra định kỳ và đột xuất. Đối với doanh nghiệp thẩm định giá có nguy cơ rủi ro cao, cơ quan quản lý sẽ tổ chức kiểm tra toàn diện và khẩn trương thực hiện một số biện pháp ngăn ngừa, cảnh báo rủi ro. Các đoàn kiểm tra tập trung vào doanh nghiệp thẩm định giá: phục vụ thi hành án, thẩm định giá doanh nghiệp, phục vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, tài sản thế chấp các ngân hàng thương mại, nhằm chấn chỉnh kịp thời những hành vi vi phạm, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh.

Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn thẩm định giá đã ban hành, hoặc ban hành tiêu chuẩn mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hoạt động thẩm định giá trong nước cũng như tiêu chuẩn của quốc tế.

Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp thẩm định giá đang hoạt động, với khoảng 1.400 thẩm định viên về giá đang hành nghề. Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, về cơ bản, đa số các doanh nghiệp được kiểm tra đã chấp hành các quy định về quản lý hoạt động và tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

Hotline: 0975.11.50.50
Tư vấn dịch vụ
Gọi điện ngay
TƯ VẤN DỊCH VỤ